Ý nghĩa hoa đào - Biểu tượng đẹp của ngày Tết Việt Nam - Loài hoa của bình an
Người Việt Nam ta thường không lạ lẫm gì với các loại hoa tết như Mai, Đào, Vạn Thọ, Cúc, Huệ, … Mỗi loại mang sắc thái và ý nghĩa riêng, đặc trưng cho một mùa tết đầy may mắn và hạnh phúc. Miền Nam có hoa Mai – nét vàng rực rỡ, Miền Bắc nổi bật Hoa Đào nhẹ nhàng, mang đậm phong tục của làng quê Bắc Bộ và hương sắc nhẹ nhàng của những ngày đầu năm. Vậy Hoa Đào là loại hoa như thế nào? Ý nghĩa ra sao?
Nguồn gốc hoa đào.
Hoa Đào ngày tết ở Miền Bắc khác hoa Anh Đào của Nhật và cũng không phải loại đào lấy quả mà chúng ta vẫn thường ăn. Hoa Đào ở miền Bắc Việt Nam cũng được gọi là Anh Đào nhưng thân nhỏ, nhìn như chiếc bình đựng hoa với gốc dưới nhỏ và bên trên là xoè ra những cành. Hoa Anh Đào này thích hợp với khí hậu lạnh, nhất là dịp đầu năm ở Miền Bắc, đó là lý do chúng tượng trưng cho mùa Xuân ở đây thay vì hoa Mai trong miền Nam.
Hoa Đào ở Việt Nam tiếng khoa học là Prunus Persica, thuộc chủng loại hoa Anh Đào Nhật, thường được ghép với các gốc cây lùn trong vườn, trồng để lấy hoa trang trí vào dịp tết từ tháng giêng đến tháng ba.
Ý nghĩa Hoa Đào.
Chính vì khoe sắc vào những dịp đầu năm mới, nên hoa Đào được xem là một dấu hiệu báo hiệu không khí cho một năm mới an nhàn, may mắn và hạnh phúc. Đầu năm – thời điểm các gia đình Việt quay quần bên nhau khiến tình cảm gia đình thêm gắn bó và khăng khít, vì thế hoa Đào cho ngày tết cũng mang những ý nghĩa rất thiêng trong nó.
Sức sống hoa Đào và sự sinh sôi nảy nở trong nó tượng trưng cho sự an khang thịnh vượng, phát triển trường tồn của mỗi cá nhân và gia đình. Hoa Đào cho con người niềm tin hơn vào sự sống vĩnh hằng và sự phát triển của tương lai.
Vẻ đẹp hoa Đào tượng trưng cho vẻ đẹp của người con gái xứ Bắc, dịu dàng, kiều diễm, những chồi non e lệ chỉ chờ nở rộ trong gió xuân, lãng mạn vô cùng. Trong tích xưa, tình bạn giữa Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi kết nghĩa tại vườn Đào cũng dệt nên những trang sử bi tráng về tình bạn, anh em, huynh đệ giữa người với người. Chính vì vậy, hoa Đào nở cũng là lúc các mối quan hệ xung quanh trở nên gắn bó và khăng khít hơn.
Đó là chưa kể, Hoa Đào được coi là tinh hoa trong Ngũ Hành, xua tan bách quỷ, mang đến sự bình an tình vượng cho con người về đời sống tinh thần. Hoa đóng vai trò không nhỏ trong việc tô điểm cuộc đời thêm nhiều ý vị. Mỗi hoa mỗi sắc, tạo nên một bức tranh xuân lộng lẫy mà Hoa Đào chính là tâm điểm của cái tết rực rỡ nơi khung trời đất Bắc Việt Nam.
Ý nghĩa hoa đào ngày Tết không chỉ là sắc hương hoa rực rỡ để tô điểm cho không gian ngày Tết, mà hoa đào còn bao hàm nhiều ý nghĩa đã được gửi gắm từ bao đời nay của người Việt xưa vào ngày Tết cổ truyền. Ý nghĩa cây đào ngày Tết như sau:
- Hoa đào là tinh hoa ngũ hành: Vẻ đẹp tươi thắm và sắc độ của hoa đào từ xưa đến nay đã được xem như tinh hoa ngũ hành của trời đất. Ý nghĩa của đào trong phong thủy chính là nó có thể giúp xua đuổi bách quỷ cùng những điều không may, từ đó mang lại cho con người một năm mới bình yên và hạnh phúc.
- Biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở: Hoa đào thường nở vào đầu đông xuân, mùa của sự sinh sôi nảy nở. Hoa đào khoe sắc cho một năm mới sẽ làm con người thêm hy vọng về một cuộc sống tốt lành hơn và sẽ gặp được may mắn hơn, mở ra một chặng đường tương lai phía trước nhiều thuận lợi.
- Biểu tượng cho sự hòa thuận và gắn kết: Hoa đào còn là biểu tượng của tình nghĩa gắn kết và sự chung thủy. Hoa đào mang đầy giá trị nhân văn để gửi gắm những mong muốn cho một năm mới đầy sự gắn kết và hòa thuận giữa người với người.
- Biểu tượng của sự an khang thịnh vượng: Sắc hồng của hoa đào được xem là màu sắc mang lại may mắn, sự ấm cúng, niềm vui, niềm tin, tình yêu và những hy vọng một năm mới hạnh phúc và bình an.
Bích đào
Bích đào là một loài hoa đào có sắc hồng đậm ấn tượng và vô cùng bắt mắt. Bích đào thường được chọn để làm hoa trang trí ở bàn tiếp khách của gia đình ngày Tết, hoặc được dùng để làm hoa dâng bàn gia tiên trong ngày lễ Tết truyền thống.
Đào phai
Đào phai là loại đào phổ biến và được ưa chuộng nhất ở Việt Nam. Đào phai thường có sắc hồng nhẹ nhàng, hương thơm tinh tế và thanh lịch sẽ thu hút ngay bạn từ cái nhìn đầu tiên. Đào phai cũng thường được mọi người mua tặng làm quà Tết để gửi tặng bạn bè, người thân và đồng nghiệp.
Bạch đào
Bạch đào hay hoa đào trắng là loài hoa đào khá hiếm bởi sắc trắng tinh khôi và thuần khiết rất riêng của nó. Bạch đào còn là biểu tượng của sự thuần khiết, sự tinh tế và sang trọng. Tại Việt Nam, giống hoa bạch đào này rất khó có thể bắt gặp.
Đào thất thốn
Đào thất thốn là một trong những các loại cây đào rất quý hiếm. Trước đây, đào thất thốn là loài hoa chỉ dành cho các vua chúa thưởng thức bởi sự đặc biệt trong hình dáng, cấu trúc cùng sắc độ màu hồng đậm rực rỡ của từng cánh hóa.
Đào má hồng Đà Lạt
Đào má hồng Đà Lạt hay còn được gọi là đào lông hoặc đào vạn trượng, đây là một loại đào lai, được ghép từ gốc cây đào rừng của Đà Lạt với mầm của các loại đào khác. Đào má hồng Đà Lạt thường cho hoa kép có khoảng 25 cánh chụm lại, hoa đào má hồng giữ được khá lâu và có mùi thơm nhẹ nhàng đặc trưng.
Đào rừng
Đào rừng có thể nói là một loại đào cực hiếm và đắt đỏ vào ngày Tết. Các loại đào rừng phổ biến thường có hai nhóm là đào rừng mọc tự nhiên trong rừng, đây là loại đào quý hiếm và giá rất cao. Loại thứ hai là đào rừng có giống từ cây đào rừng đã được người dân địa phương ươm trồng nhiều năm trên các vườn rừng, vườn đồi quanh nhà. Hoa đào rừng có màu hoa thường nhìn giống đào phai hoặc bạch đào, tuy nhiên điểm đặc biệt là đào rừng có cành lớn và đẹp mắt.
Với những thông tin về ý nghĩa của hoa đào và các loại hoa đào Tết đẹp trên đây, hy vọng bạn sẽ hiểu rõ hơn về loài hoa này và ý nghĩa của nó trong ngày Tết Âm lịch của Việt Nam. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Chúc các bạn luôn vui khỏe nhé!